Khi đi du học điều gì khiến cho bạn lo lắng nhất? Có rất nhiều vấn đề chúng ta sẽ phải đối mặt trong những ngày đầu sống tại Nhật như: sốc văn hoá, chênh lệch giờ giấc sinh hoạt, sự khác biệt về văn hoá,... Đặc biệt là vấn đề chi tiêu hẳn là điều khiến các du học sinh đau đầu khi sinh sống tại đất nước đắt đỏ này nhỉ. Trong các bài viết trước TODAIedu đã giới thiệu đến các bạn cách tiết kiệm tiền mua sắm quần áo, còn chi phí ăn uống thì sao nhỉ? Hãy cùng TODAIedu tìm hiểu nhé!

Mục lục [ Ẩn ]

Tự nấu ăn tại nhà để tiết kiệm chi phí ăn uống

Cũng giống như học sinh, sinh viên ở Việt Nam, cách tiết kiệm chi phí ăn uống hiệu quả nhất chính là tự nấu nướng tại nhà. Tự nấu ăn ở nhà không chỉ giúp bạn tiết kiệm tiền ăn hiệu quả mà còn giúp bạn rèn luyện cho bản thân nhiều kỹ năng và thói quen tốt. Hơn nữa đồ ăn tự chế biến tại nhà sẽ đảm bảo vệ sinh và an toàn với sức khoẻ hơn là mua đồ ăn ở ngoài.

Tự nấu ăn là cách tiết kiệm chi phí ăn uống nhất
Tự nấu ăn là cách tiết kiệm chi phí ăn uống nhất

Việc mua đồ ăn nhanh ở các cửa hàng đem về nhà còn làm gia tăng các loại rác thải công nghiệp, gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy tốt nhất là chúng ta nên tự tay nấu nướng cho bản thân.

Tại Nhật nếu muốn mua đồ ăn nước uống có rất nhiều lựa chọn, ví dụ như các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi (combini), cửa hàng 100 yên, các cửa hàng kinh doanh tự do… Muốn mua thịt, cá, trứng, gia vị giá rẻ thì hãy đến các siêu thị như Hanamasa (ハナマサ hay còn gọi là siêu thị đầu bò, siêu thị Seiyu (西友), siêu thị Gyomu (業務), Aeon… Muốn mua rau rẻ thì đến các cửa hàng rau quả tư nhân Yaoya (八百屋).

“Canh thời gian” mua đồ giảm giá tại các cửa hàng, siêu thị

Thời điểm cuối ngày, cách 1-2 tiếng đóng cửa siêu thị, hoặc những ngày cuối tuần, các siêu thị thường giảm giá từ 10% đến 20%, 30% tuỳ từng loại mặt hàng, phổ biến nhất là: thịt, cá, bánh bao, bánh mì, mì soba,... Vì lý do kiểm định nghiêm ngặt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nên các loại thịt chỉ để sang ngày thứ 2 là họ bắt đầu giảm giá bán từ 10%~ 50%. Họ thường dán tem giảm giá là 10% Off (1割)cho đến 50% (5割. Ngoài ra thay vì dán tem 50% Off họ cũng hay dán tem có tên 半額(Hangaku) thì cũng có nghĩa là giảm 1 nửa. Bạn có thể mua nhiều và tích trữ trong tủ đá để dùng dần, đây là một cách rất hiệu quả để tiết kiệm chi phí ăn uống.

Thời điểm cuối ngày, cuối tuần các siêu thị ở Nhật giảm giá rất nhiều sản phẩm
Thời điểm cuối ngày, cuối tuần các siêu thị ở Nhật giảm giá rất nhiều sản phẩm

Ngoài ra cũng có khá nhiều cửa hàng 100 yên, hệ thống Lawson 100 yên bày bán các sản phẩm từ bát, đũa, chén,... Bạn hoàn toàn có thể mua đồ dùng giá rẻ tại đây.

Sử dụng các loại thẻ tích điểm

Giống như các siêu thị ở Việt Nam, các siêu thị tại Nhật cũng có các thẻ tích điểm đổi thưởng, đổi ưu đãi và các chương trình quà tặng. Sau mỗi lần bạn mua sắm bạn sẽ tích được một số điểm nhất định trong thẻ, khi số điểm này đạt được một con số nhất định bạn có thể đổi sang tiền khi mua sắm tại các siêu thị.

Vì vậy bạn nên sắm cho mình vài chiếc thẻ tích điểm nếu bạn ở Nhật lâu dài, vì việc này sẽ giúp bạn có thể nhận được nhiều chương trình giảm giá và ưu đãi hấp dẫn. Hầu hết mọi người khi ở Nhật đều có tối thiểu 2 chiếc thẻ, mỗi điểm trong thẻ bạn sẽ có một yên để sử dụng. 

Làm thế nào để tiết kiệm chi phí ăn uống khi du học Nhật Bản
Mẫu thẻ tích điểm ở siêu thị Nhật Bản

Nhìn vào hóa đơn trên bạn có thể thấy được các thông tin chính như:

  • 今回ポイント:số điểm bạn tích được qua lần mua sắm hiện tại
  • 通常ポイント:số điểm thực tích được theo thường lệ
  • ボーナスポイント:số điểm tích được thêm vào nhờ khuyến mãi

Công thức tính điểm: 今回ポイント =  通常ポイント +  ボーナスポイント

Sẽ có những ngày lễ, dịp đặc biệt mà các siêu thị, cửa hàng tăng điểm thưởng gấp nhiều lần so với ngày thường, các bạn nhớ thường xuyên cập nhật và theo dõi thông tin của siêu thị, nhà hàng để không bỏ lỡ các chương trình ưu đãi lớn nha.

Ngoài ra bạn cũng nên chú ý các thông tin như:

  • 利用ポイント:số điểm bạn sử dụng để đổi thành sản phẩm
  • 利用可能ポイント:số điểm thưởng còn trong thẻ mà bạn có thể sử dụng

Khi bạn muốn đổi điểm hãy nói với nhân viên lúc bạn thanh toán tại quầy thanh toán. 

Mua đồ ăn tại các cửa hàng giá rẻ

Có rất nhiều chuỗi cửa hàng ăn nhanh kiểu Nhật như Matsuya, Sukiya, Nakau, Yoshinoya…bán suất cơm chỉ khoảng 400 yên trở lên. Đây có lẽ là lựa chọn cho những du học sinh bận rộn không có thời gian nấu nướng, đi chợ, hoặc đơn giản là không biết nấu ăn mà vẫn muốn tiết kiệm chi phí ăn uống. Tuy nhiên như mình đã đề cập ở trên, việc thường xuyên mua đồ ăn nhanh không những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà còn làm tăng lượng rác thải nhanh ra môi trường. Vì vậy chúng ta nên hạn chế mua đồ ăn nhanh, đồ ăn ngoài cửa hàng thôi nhé.

Ở Nhật cũng có rất nhiều cửa hàng đồ ăn nhanh giá rẻ
Ở Nhật cũng có rất nhiều cửa hàng đồ ăn nhanh giá rẻ

Ngoài ra còn rất nhiều phương pháp tiết kiệm hữu ích khác, các bạn hãy theo dõi website của TODAIedu để không bỏ lỡ những bài viết thú vị về du học Nhật Bản và đời sống văn hoá Nhật Bản nhé.